Thời gian qua, VCPMC tiếp nhận thông tin của nhiều tác giả phản ánh việc từ những năm trước đây tác giả có ký hợp đồng với một số công ty truyền thông media kinh doanh thông tin di động, nhạc chuông, nhạc chờ… để hợp tác, ủy quyền, chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc nhưng tác giả không nhận được tiền hoặc có nhận tiền nhưng rất ít. Sau khi tìm hiểu thông tin nêu trên, VCPMC nhận thấy có nhiều bất cập, bất lợi đối với các tác giả.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, VCPMC đề nghị các tác giả thành viên lưu ý rà soát lại các hợp đồng đã từng ký với một số công ty truyền thông media ở lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ... điển hình ở các vấn đề sau:
1- Về phạm vi hợp đồng: Mặc dù điều khoản phạm vi của hợp đồng có ghi: sử dụng tác phẩm, quyền tác giả để làm nhạc chuông nhạc chờ, các dịch vụ âm nhạc trên mạng điện thoại di động, tuy nhiên, xen kẽ tại các phụ lục lại ghi thêm một số lĩnh vực khai thác khác, hoặc ghi: sử dụng trên mọi phương tiện.
2- Về phí chuyển giao, thanh toán, phân chia lợi nhuận: Mặc dù hợp đồng hoặc phụ lục chuyển giao tác phẩm/bản ghi có ghi về tỷ lệ phân chia, nhưng trên thực tế hoàn toàn không có cơ chế giúp tác giả kiểm soát về quyền, lợi ích của mình, đặc biệt tại các hợp đồng mà nhiều ca sĩ/người biểu diễn không đồng thời là tác giả của tác phẩm đã tự ký trực tiếp với các công ty khai thác và tự tuyên bố, tự “đảm bảo” hoặc tự “chứng minh” mình có quyền sở hữu toàn bộ kể cả quyền tác giả, hoặc được tác giả cho phép độc quyền sử dụng trên mọi phương tiện để hợp tác khai thác, kinh doanh bản ghi và để nhận toàn bộ doanh thu từ quyền tác giả, quyền liên quan.
Một số tác giả phản ánh trong nhiều năm qua, mặc dù biết tác phẩm của mình được sử dụng, nhưng tác giả chỉ nhận được rất ít hoặc không nhận được khoản thanh toán nào từ các công ty media về kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ; ngoài ra cũng không nhận được khoản thu từ các lĩnh vực khai thác khác hay các phương tiện khác dù có ghi thêm tại hợp đồng/phụ lục nói trên.
3- Về thời hạn, hiệu lực của các hợp đồng media: Vì các hợp đồng đã ký từ rất lâu khoảng các năm 2008, 2009, 2010…, nên nhiều tác giả cho rằng đã hết thời hạn, hoặc bỏ quên, không tiếp tục kiểm soát hiệu lực của các hợp đồng này; trong khi đó, hầu hết các hợp đồng có ghi thời hạn 01- 02 năm nhưng lại kèm thêm điều khoản tự động gia hạn nếu tác giả không có thông báo chấm dứt hợp đồng.
Đặc biệt, việc kiểm soát hợp đồng cũ có thể càng khó khăn hơn nếu các công ty media đến nay không còn hoạt động kinh doanh trên thực tế, hoặc các hợp đồng chuyển giao quyền, hợp đồng cho phép sử dụng độc quyền tác phẩm… lại làm cơ sở để chuyển tiếp sang một hình thức khai thác, kinh doanh khác, sử dụng cho một nền tảng khác mà các tác giả không hề biết vì cho rằng hợp đồng đã hết hạn.
Do đó, trên cơ sở tìm hiểu các thông tin, phản ánh của nhiều tác giả cũng như qua thực tiễn mà VCPMC đã tiến hành giải quyết và hỗ trợ tác giả giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhiều tác giả thành viên có ký kết các dạng hợp đồng với các công ty media như trên, VCPMC xin thông tin đến các tác giả thành viên để lưu ý:
- Rà soát lại toàn bộ các hợp đồng đã từng ký ở lĩnh vực media, nhạc chuông, nhạc chờ, các giấy tờ thỏa thuận chuyển giao quyền, ủy quyền hoặc cho phép độc quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc;
- Nếu các hợp đồng nêu trên đã hết hạn, không còn hợp tác, không phát sinh tiền tác quyền thì các tác giả nên có thông báo chính thức chấm dứt hợp đồng gửi cho các công ty nói trên, đồng thời gửi thông báo cho VCPMC biết nhằm bảo đảm việc kiểm soát và khai thác tác phẩm của tác giả hiệu quả nhất.
Trường hợp cần thêm thông tin hoặc cần tư vấn, hỗ trợ, các thành viên vui lòng liên hệ bộ phận hội viên, bộ phận pháp chế VCPMC:
Trụ sở VCPMC tại Hà Nội: 66 Nguyễn Văn Huyên, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024.3762 4718 - 3762 4719 - E-mail: info@vcpmc.org
VCPMC Chi nhánh phía Nam: 42 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đakao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028.3829 9225 - 3824 1718 - E-mail: banquyenamnhac@gmail.com
Trân trọng cảm ơn!


